Man City sở hữu một tập thể mạnh và toàn diện hơn, nhưng cú ăn ba của Manchester United 24 năm trước giàu cảm xúc hơn
Có hai vấn đề được đặt ra sau khi Man City giành cú ăn ba Champions League, FA Cup và Ngoại hạng Anh ở mùa giải 2022/23. Những cáo buộc gian lận tài chính từ ban tổ chức Premier League, cũng như khoản tiền 1,074 tỷ bảng Pep tiêu trong giai đoạn dẫn dắt nửa xanh thành Manchester khiến cú ăn ba của CLB chủ sân Etihad bớt lung linh.
Nếu so sánh cú ăn ba của Man City với thành tích Sir Alex Ferguson cùng dàn cầu thủ thuộc “thế hệ 92” của Manchester United tạo ra ở mùa giải 1998/99, người hâm mộ sẽ thấy sự khác biệt. Thành công của “Quỷ đỏ” hơn hai thập niên trước giàu cảm xúc hơn và được tạo nên từ những cầu thủ do họ tự đào tạo, khác hẳn với Man City.
Sự khác biệt
Mùa giải 1998/99, MU là đội bóng Anh đầu tiên lọt vào một trận chung kết cúp châu Âu sau 14 năm. Lệnh cấm từ Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) sau thảm họa Heysel năm 1985 khiến bóng đá Anh suy yếu trong một thời gian và khi trở lại đấu trường châu Âu, họ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, màn trình diễn ấn tượng của “Quỷ đỏ” năm đó mở ra một chương mới cho các đại diện Premier League. MU trở thành đội bóng Anh đầu tiên vô địch giải đấu danh giá nhất châu Âu kể từ Liverpool vào năm 1984.
Man City của năm 2023 thì khác. Đây là lần thứ hai trong 3 năm, họ tiến vào trận chung kết cúp châu Âu. Bóng đá Anh tiếp tục cho thấy sức mạnh ở sân chơi châu lục, khi West Ham cũng vô địch Conference League. Ba mùa giải gần nhất của Champions League, các CLB Anh đều có tên trong trận chung kết. Sức mạnh tài chính nhờ bản quyền truyền hình Premier League giúp các đại diện Anh áp đảo tại Champions League.
Man City hưởng lợi từ điều đó, trong khi 24 năm trước, MU ở một vị thế khác và họ chính là người “mở đường”. Bóng đá Anh từng có giai đoạn áp đảo tại European Cup (tiền thân của Champions League sau này), khi Liverpool lên đỉnh châu Âu các năm 1977, 1978, 1980, 1981, bên cạnh Nottingham Forest vô địch năm 1979 và Aston Villa năm 1982.
Đó là một kỷ nguyên thống trị phi thường. Nhưng sau thảm họa Heysel và việc European Cup đổi tên thành Champions League, mọi thứ với người Anh ở sân chơi châu Âu rất khác. Sau chiến thắng của MU năm 1999, phải mất 6 năm sau mới có một câu lạc bộ Anh tiếp theo lọt vào trận chung kết Champions League, khi Liverpool vượt qua AC Milan thần kỳ cũng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Chính vì thế, có thể nói MU năm 1999 chơi thứ bóng đá phi thường so với mặt bằng chung bóng đá Anh thời điểm đó. Cách họ lội ngược dòng trước Juventus hay Bayern Munich ở các trận bán kết và chung kết phản ánh điều này. Tập thể của Sir Alex không mạnh hơn ai, nhưng vẫn vô địch nhờ tinh thần thi đấu.
Còn Man City của năm 2023? Họ đến từ một giải đấu giàu có bậc nhất thế giới hiện tại, với nguồn tài chính tưởng như vô tận từ Trung Đông. Tất nhiên, sự áp đảo của Man City ở Champions League cũng xuất phát từ khả năng chiến thuật thiên tài từ Guardiola. Nhưng xét về mặt cảm xúc và tinh thần thi đấu, điều rất quan trọng trong thể thao, cú ăn ba của MU 24 năm trước vẫn để lại nhiều dấu ấn hơn.
Một vấn đề khác đó là các đối thủ Man City và MU phải đối đầu trong mùa giải họ giành cú ăn ba. Nửa xanh thành Manchester trông có vẻ gặp khó khăn ban đầu trong cuộc đua Ngoại hạng Anh, khi liên tục rơi vào thế bám đuổi Arsenal. Song, đến khi Premier League 2022/23 hạ màn, Man City vô địch trước 3 vòng và với 5 điểm nhiều hơn đối thủ.
Có cảm giác Arsenal chưa bao giờ là đối trọng thật sự với Man City ở Ngoại hạng Anh mùa này, điều khác hẳn so với Liverpool những mùa trước. MU của năm 1999 vô địch Ngoại hạng Anh với chỉ một điểm nhiều hơn Arsenal, sau khi “Pháo thủ” bất ngờ gục ngã trước Leeds United ở vòng áp chót. Cho đến tận vòng 36 Ngoại hạng Anh 1998/99, người ta vẫn nghĩ Arsenal sẽ vô địch. Đội bóng của HLV Arsene Wenger ở thời điểm đó là một đối trọng thật sự khác với Arsenal của năm 2023.
Tại FA Cup, Arsenal và MU cũng tạo ra trận bán kết khó quên. Roy Keane bị đuổi khỏi sân khiến MU chơi với thế thiếu người, sau đó Peter Schmeichel cản phá quả phạt đền ở cuối thời gian thi đấu chính thức, đưa trận đấu vào hiệp phụ, để rồi Ryan Giggs ghi một trong những bàn thắng solo đáng nhớ nhất lịch sử FA Cup, giúp MU thắng nghẹt thở đại kình địch để vào chung kết.
Có quá nhiều chiến thắng nghẹt thở tạo nên thương hiệu cho cú ăn ba MU năm 1999. Trong khi đó, trên hành trình vô địch của Man City mùa này, người hâm mộ không được chứng kiến nhiều những bàn thắng giàu cảm xúc như vậy. Đội bóng của Pep giống một cỗ máy, nghiền nát các đối thủ.
Dàn cầu thủ tự đào tạo
Rõ ràng, MU của mùa giải 1998/99 chưa bao giờ tạo ra thứ bóng đá tuyệt đẹp, hoàn hảo về mặt thẩm mỹ như cách Man City hủy diệt Real Madrid, Arsenal hay Bayern Munich mùa này. Song, tập thể do Sir Alex lãnh đạo đã làm nên kỳ tích nhờ dàn cầu thủ tự đào tạo mang tên “Thế hệ 92”. Họ gồm nhiều danh thủ như Paul Scholes, Ryan Giggs, Beckham, Butt và anh em nhà Neville, trưởng thành từ lò đào tạo Carrington nổi tiếng.
Trong lịch sử bóng đá thế giới, không nhiều đội bóng giành được cú ăn ba với nòng cốt là những cầu thủ do họ tự đào tạo. Có lẽ chỉ Barca hay Ajax sánh được với MU về điểm này. Ở chiều ngược lại, Man City gầy dựng sức mạnh nhờ những bản hợp đồng đắt giá trên thị trường chuyển nhượng.
Dàn cầu thủ ngồi trên ghế dự bị của Man City ở chung kết Champions League có tổng giá chuyển nhượng lên tới hơn 500 triệu bảng. Kyle Walker, Julian Alvarez hay Riyad Mahrez đủ sức đá chính ở bất kỳ đội bóng hàng đầu nào châu Âu, nhưng tại Man City, họ chỉ là “kép phụ” trong trận chung kết Champions League.
Pep cũng từng giành cú ăn ba với dàn cầu thủ từ lò La Masia, nhưng bối cảnh tại Man City rất khác. Liệu chiến lược gia xứ Catalonia có thể tạo ra đội bóng hoàn hảo như hiện tại nếu không chi tới 1,074 tỷ bảng trong nhiều năm qua? Những khoảnh khắc cảm xúc và sự tự hào do dàn cầu thủ tự đào tạo của MU năm 1999 là sự khác biệt lớn với Man City của năm 2023.
– Kênh soi cầu cá cược bóng đá online siêu chuẩn